Việt Nam xuất khẩu phần lớn các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản thuộc 2 mã hàng hóa HS 94 (đồ gỗ) và mã HS 44 (gỗ và sản phẩm gỗ). Hiện nay, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 1,016 tỉ USD, tăng 131 triệu USD so với năm 2014 (+15%). Trong 8 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này đạt 644 triệu USD giảm 2% so với cùng kỳ năm 2015. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong giai đoạn 2013-2015 đạt bình quân khoảng 13%/năm.
Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào Nhật Bản bao gồm dăm gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, và đồ nội thất văn phòng.
- Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của dăm gỗ Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2015, Việt Nam đã xuất khoảng 3,2 triệu tấn dăm khô, đạt giá trị kim ngạch 456 triệu USD sang thị trường này, tăng tương ứng 36% về lượng và 45% về giá trị.
- Mặt hàng ghế gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt trên 84,5 triệu USD trong năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.
- Các mặt hàng đồ nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có xu hướng giảm. Cụ thể, kim ngạch đồ nội thất phòng ngủ đạt 108, 2 triệu USD năm 2015, giảm 6% so với năm 2014; kim ngạch đồ gỗ ngoài trời đạt 85,1 triệu USD năm 2015, giảm 14% so với 2014; kim ngạch đồ gỗ văn phòng năm 2015 đạt 83,3 triệu USD, giảm 11% so với 2014.
Trong nhóm các mặt hàng gỗ (HS 44), Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là đồ mộc, đồ mỹ nghệ, gỗ dán, gỗ xẻ. Xu hướng xuất khẩu các sản phẩm này khác nhau trong giai đoạn 2013-2015:
- Trong năm 2015 gỗ xẻ xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật đã đạt gần 30 triệu USD, tăng trên 2 lần so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2014 tăng 7 lần so với năm 2013.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ mộc (HS 4418) năm 2014 tăng 2,4 lần so với năm 2013. Giá trị kim ngạch năm 2015 đạt khoảng 36,8 triệu USDtăng 35% so với 2014,.
- Trong năm 2015 kim ngạch các mặt hàng đồ mỹ nghệ xuất khẩu sang Nhật còn 35,9 triệu USD, giảm 12% so với năm 2014, , trong khi kim ngạch năm 2014 tăng 28% so với năm 2013.
- Ở mặt hàng gỗ dán xuất khẩu thể hiện xu hướng gần giống với các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ.
Ở chiều ngược lại, giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ từ Nhật Bản rất khiêm tốn với giá trị rất thấp, chưa đến 10 triệu USD mỗi năm và có xu hướng giảm. Điều này cho thấy thặng dư thương mại rất lớn trong ngành gỗ Việt Nam với Nhật Bản, với mức thặng dư 785 triệu USD năm 2013, 877 triệu USD năm 2014, 1 tỉ USD năm 2005, và 537 triệu USD trong 7 tháng đầu 2016.
Đầu năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó Nhật Bản là một trong những quốc gia thành viên đóng vai trò trụ cột của khối. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam gia tăng thị phần tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Nhật Bản lại là một nước lớn trong khối G-7, bao gồm Đức, Anh và Ý, là các quốc gia thuộc EU đã đề xuất sáng kiến Chương trình hành động Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) mà Chính phủ Việt Nam hiện đang đàm phán về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường. Trước nhu cầu trong nước và sức ép của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới gần đây, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tiếp tục thực hiện các bước đi tương tự như EU để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ tiêu thụ tại thị trường này. Nhật Bản là nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 đã cam kết sử dụng các nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và bền vững trong các công trình sử dụng cho thế vận hội. Những thay đổi về chính sách có liên quan đến sản phẩm gỗ tại Nhật Bản đang tạo ra những cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Giống như một số quốc gia khác hiện đang tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam, Chính phủ Nhật bản cũng có những quy định nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường này là hợp pháp. Báo cáo này cho thấy các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhìn chung đều đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường này. Cụ thể, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguồn gỗ rừng trồng trong nước như cao su, keo, bạch đàn và từ nguồn gỗ như sồi, thông được nhập khẩu từ các quốc gia có độ rủi ro thấp về mặt pháp lý. Tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu trong một số sản phẩm xuất khẩu, ví dụ như một số doanh nghiệp chưa khai báo nguồn gốc và loài gỗ sử dụng trong sản phẩm xuất khẩu, hoặc sử dụng một số loài gỗ từ các nguồn được cho là có tính rủi ro cao.
Các xu hướng thương mại các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy thị trường Nhật Bản tiếp tục được mở rộng trong những năm tới. Điều này sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ hội này không phải chỉ dành riêng cho doanh nghiệp của Việt Nam mà được chia đều cho doanh nghiệp của các quốc gia như Trung Quốc, EU, Malaysia, Philippine hiện đang trực tiếp tham gia vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng như tThái Lan và Myanmar. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh sản phẩm gỗ hợp pháp, bền vững và đáng tin cậy khi tham gia thị trường.
Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tại Nhật Bản, giảm thiểu rủi ro, nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp là vấn đề quan trọng đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Báo cáo kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang trực tiếp tham gia thị trường này tăng cường trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Báo cáo kiến nghị các hiệp hội gỗ cần tiếp tục xác định những vấn đề cụ thể về cơ hội và rủi ro, từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách và các cơ chế cụ thể cho doanh nghiệp, đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp và bền vững.
(Nguồn : Tạp chí Gỗ Việt)