Đó là thông tin được ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương - nhấn mạnh tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng kinh doanh ngành đồ gỗ”, do VCCI, Hawa, VPBank tổ chức tại TP HCM
Ông Phan Chí Dũng cho biết năm 2013 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 5,42%, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 5,9%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn, sản xuất trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng trên đã thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Mặt khác, đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế của nhà nước, của Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2013 đạt 5,7 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước, nếu cộng chung với đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ mây tre thì kim ngạch đạt khoảng 6 tỉ USD. Dự kiến năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ đạt 6,5 tỉ USD, hàng thủ công mỹ nghệ khoảng 2 tỉ USD. Tiêu thụ đồ gỗ, nội thất trong nước 5 năm qua với doanh thu thường xuyên đạt mức 2,5 tỉ USD. Đây là ngành có nhiều tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển chế biến đồ gỗ trong nước.
Được biết thị trường hàng thủ công mỹ nghệ thế giới tiêu thụ 100 tỉ USD/năm, nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Trung bình một hộ mua sắm 6 triệu đồng/năm, cho thấy thị trường nội địa khá hấp dẫn cho ngành đồ gỗ.
Tuy ngành đồ gỗ có phát triển mạnh nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Do chi phí đầu vào trong nước tăng mạnh, nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ dành cho xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu, giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu thấp. Trên 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước đang thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện Việt Nam có trên 1.000 làng nghề chế biến gỗ, với hàng ngàn hộ gia đình lao động làm nghề. Do đó, việc đẩy mạnh và nâng cao thị phần để tránh thua trên sân nhà là cấp bách của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, chi phí sản xuất trong nước còn cao nên sức cạnh tranh sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn yếu. Đơn cử chi phí trung bình để sản xuất một cái ghế tựa bằng gỗ ở Việt Nam là 17,5 USD, ở Trung Quốc chỉ 13,53 USD. Trung bình một công nhân sản xuất trong ngày ở Trung Quốc là 4,5 cái ghế nhưng Việt Nam chỉ 1,9 cái.
Theo ông Dũng, ngành gỗ không khó về thị trường mà cái khó ở chỗ doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất với quy mô gia đình, vốn ít nên dễ nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường. Chi phí đầu vào trong sản xuất tăng nhanh, lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn còn khó khăn. Nguyên liệu sản xuất còn phải nhập khẩu, giá thành cao. Công tác xúc tiến thương mại, thiết kế sản phẩm còn nhiều hạn chế, mẫu mã đơn điệu.
Nhà nước cần hỗ trợ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, có chính sách phát triển nguồn nguyên liệu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để đầu tư thiết bị công nghệ cao, đầu tư mẫu, nhà xưởng.
Bài và ảnh: Long Giang
Bạn có thể xem thêm: May che bien go | May cat hai dau | May cha nham mat ghe powermax